Chào mọi người. Hôm nay bài viết hôm nay sẽ đưa chúng ta về những điều đơn giản nhất để có thể tạo nên một không gian học tập ưng ý nhưng vẫn đầy đủ công năng và đặc biệt là phù hợp với ngân sách eo hẹp nhé. Ba yếu tố mình viết tuy ngắn gọn nhưng tập trung vào điều chủ yếu nhất tạo nên một góc nhỏ để chúng ta tập trung học hành và làm việc. Ba yếu tố đó bao gồm:
1. nguồn sáng tốt2. xác định khu vực học tập và làm việc3. chuẩn bị đồ dùng học tập đầy đủ
1. Nguồn sáng tốt:
Điều đầu tiên và cũng là điều rất quan trọng khi chúng ta bắt tay vào làm đó là tìm một nguồn sáng tốt. Một nguồn sáng tốt là nguồn sáng đảm bảo về các yếu tố sau:
- ánh sáng ổn định, không chớp tắt liên tục gây mỏi mắt
- hướng sáng có thể điều chỉnh được
- độ sáng vừa phải, đủ để phục vụ nhu cầu của bản thân. Không nên chọn nguồn sáng quá tối.
Mình sẽ gợi ý một số loại nguồn sáng đơn giản dễ tìm. Trước tiên là nguồn sáng tự nhiên. Bạn có thể tận dụng ánh sáng ban ngày từ cửa sổ, ban công, sân thượng, trước sân nhà,... Ưu điểm lớn nhất của ánh sáng tự nhiên là không mất phí và dễ dàng tiếp cận. Khuyết điểm thì phải kể đến ánh sáng không ổn định, bị mây che mất hoặc khi trời mưa thì thường khá tối. Chúng ta cũng không thể điều chỉnh độ sáng.
Gợi ý thứ hai là ánh sáng từ đèn gắn trong phòng. Nhà ở thường có lắp sẵn đèn bật trong phòng nên chúng mình có thể tận dụng luôn nhé. Loại ánh sáng này ổn định hơn và mình khuyên là nên đặt góc học tập gần đèn nếu sử dụng nguồn sáng này.
Gợi ý cuối cùng là ánh sáng từ chiếc đèn học. Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại đèn học với đủ loại chức năng, hình dáng đẹp cũng như giá cả rất phải chăng. Do có nhiều loại đèn học nên mọi người nhớ xem kỹ về loại bóng đèn, chức năng đi kèm cũng như chế độ bảo hành.
Mọi người cũng có thể kết hợp cả ba nguồn sáng này với nhau. Khi mình học, mình dùng cả nguồn sáng từ đèn trên trần nhà và đèn học trên bàn. Thỉnh thoảng mình lại kê bàn gần cửa sổ để học bài dưới ánh nắng nhẹ nhàng nếu nắng hôm đó không quá gắt.
Còn một lưu ý nhỏ mình thấy ít người để ý nè. Khi ngồi học lâu thì bóng đèn sẽ tỏa nhiệt nên nếu mọi người không chịu được nóng như mình thì nên chọn loại tỏa nhiệt hướng lên trên nhé.
2. Xác định khu vực học tập và làm việc:
Việc tiếp theo là cần xác định nơi chúng mình sẽ đặt chiếc laptop, tập vở để học bài. Không nhất thiết phải là bàn riêng hay bàn học đâu. Mọi người có thể học ở đâu tùy thích miễn là có một "mặt phẳng" đủ rộng để chúng ta cảm thấy thoải mái khi học. Mình gợi ý một vài nơi cho mọi người tham khảo: bàn sofa, bàn ăn cơm, tấm ván, mặt tủ,...
Khi còn học cấp một thì mình dùng chiếc bàn gấp lùn lùn tiết kiệm diện tích vì có thể gấp lại khi không sử dụng. Sau khi lên cấp hai thì mình có một chiếc bàn rộng hơn tý. Nhưng mình cũng thích lê la ngoài bàn ăn cơm vì có thể vừa học vừa ăn vặt.
Đi kèm với nơi chúng ta viết thì chỗ ngồi cũng phải thoải mái. Chỗ ngồi thì đơn giản hơn. Chúng mình có thể ngồi đất, ngồi trên ghế... Khi ngồi mình thường lót thêm hai chiếc gối cho đỡ tê mông mỏi lưng. Cách kê gối này rất hữu hiệu khi ngồi bệt dưới đất đấy.
Bàn ghế có thể được đặt cố định một nơi hoặc di chuyển sang nơi khác tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người mà lựa chọn. Tuy cách thức khác nhau nhưng cần đảm bảo bốn chữ: "thoải mái, tiện dụng".
Một gợi ý nhỏ cho mọi người nếu khu vực học tập không đủ yên tĩnh. Mình thường chọn nghe nhạc. Nhạc không lời là lựa chọn tốt nhất nhưng nếu mọi người thích nghe nhạc có lời thì sao? Mình có một cách rất hay là chúng mình sẽ nghe đi nghe lại bài đó liên tục. Nếu bạn nghe trên Youtube thì có thể ấn chuột phải vào video và chọn "vòng lặp" thì video sẽ tự động lặp lại nhé.
3. Chuẩn bị đồ dùng học tập đầy đủ:
Trước khi bắt đầu buổi tự học, chúng mình xem thời khóa biểu và đem đầy đủ sách vở cũng như dụng cụ học tập cần thiết đến khu vực học tập.
Đối với không gian nhỏ, mình đề nghị một chiếc laptop sẽ giúp chúng mình tiết kiệm diện tích. Dùng đầu sách có bản pdf, ebook và viết bài bằng cách đánh máy sẽ tiết kiệm tiền và diện tích hơn khi chúng mình chỉ cần một chiếc laptop là có thể vừa đọc sách vừa ghi bài.
Nếu mọi người thường xuyên đọc tài liệu online trên Chrome thì mình gợi ý hai extension rất hữu ích. Visor là extension mình dùng khi đọc các tài liệu có nhiều chữ. Extension này giúp mình định vị số lượng cần đọc và đỡ rối mắt hơn. Ứng dụng sẽ làm tối phần chúng mình không đọc và phần cần đọc sẽ nổi bật hơn. Mọi người xem ảnh trên là hiểu. Link download: Visor
Về dụng cụ học tập, tùy vào sở thích của mọi người mà quyết định nhé. Khi mình không muốn mang quá nhiều thì chỉ cần bút đen để viết bài, bút đỏ viết tiêu đề và một cây highlight là đủ. Còn khi muốn màu mè thì hỡi ôi, mình mang theo đủ thứ bút.
Một nhắc nhở nho nhỏ cuối bài thì khoảng cách từ sách vở đến mắt cần đảm bảo từ 30 - 40cm còn khoảng cách từ laptop đến mắt là 50 - 60cm.
📝 Bài viết về cách xây dựng góc học tập cho bản thân đã kết thúc rồi đó. Chỉ với ba yếu tố đơn giản mà chúng mình đã có một khu vực đáp ứng nhu cầu học hành và làm việc. Tạm biệt và hẹn gặp lại mọi người trong bài viết kế tiếp!
Nhận xét
Đăng nhận xét